Cần chỉ rõ nguyên nhân độ che phủ rừng của Đắk Lắk thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước
Cần chỉ rõ nguyên nhân độ che phủ rừng của Đắk Lắk thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước
Ngày 4/4, Đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.
Triển khai Chỉ thị 13-CT/TW, tỉnh Đắk Lắk tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt trong quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành và nhân dân trên địa bàn. Các hoạt động về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thường xuyên được HĐND tỉnh thực hiện giám sát. Cơ quan chức năng thanh kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý sai phạm. Nhờ đó, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp được hạn chế trong điều kiện sức ép về dân cư, giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội liên quan đến tài nguyên rừng là rất lớn.
Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp có chiều hướng giảm về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, việc triển khai Chỉ thị 13-CT/TW trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Cấp ủy, chính quyền địa phương ở một số nơi, nhất là cấp xã chưa thực hiện đầy đủ công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; có nơi còn xem công tác bảo vệ rừng là của chủ rừng, đơn vị chuyên ngành, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa thường xuyên, hiệu quả. Một số chủ rừng năng lực còn hạn chế, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng tại gốc, chưa ngăn chặn triệt để dẫn đến rừng tiếp tục bị tàn phá, lấn chiếm, bị khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật còn diễn biến phức tạp.
Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân dẫn đến hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn là do cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, nhiều bất cập, nhất là vấn đề về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ rừng. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển lâm nghiệp, kinh phí hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên còn rất thấp và thiếu so với yêu cầu thực tế. Các dự án cải tạo rừng vướng mắc về cơ chế, chính sách và hưởng lợi đối với diện tích rừng, đất rừng được giao nên không tạo động lực cũng như trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng của chủ dự án. Chính sách đối với các công ty lâm nghiệp chưa phù hợp, nhất là vấn đề tiền thuê đất. Chưa có đủ nguồn lực để giải quyết đồng bộ, hài hòa các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng như, việc bố trí, sắp xếp ổn định dân cư; giải quyết đất ở, đất sản xuất, việc làm cho người dân sống gần rừng...
Về mặt chủ quan, chính quyền địa phương cấp cơ sở ở một số nơi chưa thực sự quan tâm và coi công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng là nhiệm vụ chính trị. Hầu hết năng lực quản trị, quản lý và bảo vệ rừng của chủ rừng còn nhiều hạn chế. Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý. Tình trạng di cư tự do đến địa bàn tỉnh, di cư nội vùng chưa được kiểm soát chặt chẽ tạo ra áp lực lớn cho việc quản lý, bảo vệ rừng, quản lý sử dụng đất đai theo đúng quy định của pháp luật.
Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị, Đoàn công tác kiến nghị Trung ương quan tâm giải quyết một số nội dung, như: Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả; cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp không có rừng để bố trí đất sản xuất cho người dân, góp phần đảm bảo đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài.
Trung ương khẩn trương ban hành văn bản cụ thể hóa Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, trong đó, đề nghị ban hành chính sách hỗ trợ đặt hàng bảo vệ rừng tự nhiên nghèo cho đối tượng được giao quản lý rừng nghèo khác ngoài nhà nước.
Tỉnh Đắk Lắk đề nghị Trung ương sớm bổ sung, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên rừng, giải quyết vướng mắc liên quan đến chuyển đổi rừng, cải tạo rừng; ban hành tiêu chí đánh giá phân loại chất lượng rừng; giải quyết kinh phí kịp thời để tỉnh thực hiện “ổn định dân di cư tự do” theo Nghị quyết 22/NQ-CP của Chính phủ…
Tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị 13-CT/TW. Tỉnh cần đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân tại sao độ che phủ rừng của Đắk Lắk chỉ đạt hơn 38%, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước (khoảng 42%); thực hiện nghiêm túc việc rà soát, đánh giá đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; đánh giá, dự báo tình hình, nhận diện thách thức và nguy cơ trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững theo các chứng nhận chuẩn quốc tế, tín chỉ carbon.
Đặc biệt, Trưởng ban Kinh tế Trung ương yêu cầu, Đắk Lắk phải đánh giá sát, đúng tình hình dân di cư tự do; thực hiện rà soát lại cơ chế, chính sách, nhất là chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số đang sống dựa vào rừng. Có như vậy mới làm tốt được công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...
Những kiến nghị của tỉnh sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tiếp thu, nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện báo cáo sơ kết về thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, qua đó đề xuất với Ban Bí thư giải pháp phù hợp nhằm giải quyết vướng mắc, khó khăn về cơ chế chính sách, pháp luật trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.