Đắk Lắk là tỉnh có vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên với nhiều tiềm năng và lợi thế đặc thù nổi bật về sinh thái tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc; là không gian sinh tồn của nhiều thế hệ đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, qua quá trình lao động và sinh hoạt đã hình thành các đặc điểm văn hóa khác biệt, tạo nên bản sắc riêng cho tỉnh. Trong đó, rừng và đất quy hoạch cho phát triển rừng là lợi thế lớn nhất tạo ra nhiều tiềm năng phát triển cho ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Đắk Lắk có dân số trên 2 triệu người, với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân tộc thiểu số chiếm khoảng 34,36% dân số toàn tỉnh.
Tuyên truyền Luật lâm nghiệp với người dân địa phương
Theo Công bố số liệu hiện trạng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có đến ngày 31/12/2023 tại Quyết định số 638/QĐ-UBND ngày 28/02/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 737.283 ha rừng và đất lâm nghiệp chiếm 56,4% diện tích tự nhiên của tỉnh; độ che phủ của rừng hiện nay là 38,04%. Trong đó, diện tích đất, rừng quy hoạch rừng đặc dụng là 227.992 ha (chiếm 17,4%), diện tích đất, rừng quy hoạch rừng phòng hộ là 75.026 ha (chiếm 5,8%) và diện tích đất, rừng quy hoạch rừng sản xuất và ngoài quy hoạch lâm nghiệp là 434.264 ha (chiếm 33,2%).
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, cho thuê đối với: 02 vườn quốc gia, 04 Ban quản lý rừng đặc dụng; 81 tổ chức kinh tế (bao gồm cả 13 Công ty lâm nghiệp), 03 Tổ chức Khoa học công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp; 04 đơn vị thuộc lực lượng vũ trang; 24 cộng đồng và 5.282 hộ gia đình. Ngoài ra, còn có 108.137,4 ha rừng và đất lâm nghiệp chưa giao, cho thuê do UBND 129 xã đang quản lý. Trong đó hầu hết các diện tích rừng đã được đưa vào kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng để thực hiện các dự án đầu tư; đối với các diện tích người dân canh tác, sản xuất qua nhiều năm đã được rà soát đưa ra ngoài quy hoạch tỉnh, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
Lực lượng Kiểm lâm phối hợp các công ty lâm nghiệp đi tuần tra rừng
Giai đoạn 1999-2009, tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện chương trình giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư với tổng diện tích 33.812,3 ha (trong đó, diện tích có rừng là 26.256,4 ha; không có rừng là 7.555,9 ha) cho 25 cộng đồng, 68 nhóm hộ và 5.020 hộ gia đình, với mục tiêu là phát huy sức mạnh tổng hợp, công tác quản lý rừng dựa vào cộng đồng đang là hướng đi được đánh giá là bền vững để bảo vệ tài nguyên rừng, góp phần cải thiện sinh kế. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, các địa phương nhận thấy hiệu quả chưa cao, các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng không có vốn, nguồn nhân lực để bảo vệ rừng, đầu tư phát triển rừng, xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp để cải thiện đời sống, nhất là sau khi tỉnh có chủ trương ngừng cho phép khai thác gỗ trong các diện tích rừng tự nhiên giao cho nhóm hộ, cộng đồng.
Giai đoạn 2010 – 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các địa phương không thực hiện việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình.
Theo tổng hợp báo cáo từ UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, diện tích chưa giao, chưa cho thuê là 108.137,4 ha rừng và đất lâm nghiệp/129 xã đang quản lý; trong đó có 47.139,4 ha rừng gồm: 33.534 ha rừng tự nhiên và 13.605,5 ha rừng trồng. Hầu hết các diện tích rừng đã được đưa vào kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng để thực hiện các dự án đầu tư; đối với các diện tích người dân canh tác, sản xuất ổn định qua nhiều năm đã được đưa ra ngoài quy hoạch tỉnh, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
Để triển khai Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Đất đai, UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện việc rà soát những diện tích rừng và đất rừng chưa giao, hiện do UBND cấp xã quản lý để xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng hằng năm trình UBND tỉnh phê duyệt. Việc giao rừng, cho thuê triển khai đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch đã được phê duyệt do những khó khăn, vướng mắc về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi từ năm 2017 cho ngân sách các cấp chính quyền thuộc tỉnh. Vì vậy, kinh phí thực hiện kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng của UBND cấp huyện thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện. Trong giai đoạn các địa phương đang còn lúng túng, chưa cân đối, bố trí nguồn kinh phí ngân sách cấp huyện để thực hiện kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng nên chưa triển khai thực hiện.
Các địa phương đã công khai kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng đã được phê duyệt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã có rừng giao, cho thuê. Tuy nhiên, trên địa bàn không có hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư nộp hồ sơ đăng ký giao đất gắn với giao rừng.
Trong giai đoạn tới, để phát huy được hiệu quả to lớn hơn nữa của công cụ giao đất, giao rừng, đòi hỏi ngành lâm nghiệp phải có những giải pháp mang tính tổng thể, đột phá và bền vững. Đó là hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân. Mặt khác, ngành lâm nghiệp cần hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế, trong đó chú trọng mô hình nông-lâm kết hợp đa sản phẩm; gắn sản xuất với bảo vệ môi trường sinh thái tăng thu nhập cho chủ rừng; ưu tiên thực thi bảo hiểm lâm nghiệp và chứng chỉ rừng, giao đất, giao rừng gia tăng diện tích rừng sản xuất. Coi các hộ gia đình là một mắc xích quan trọng hình thành nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ.
Thủy Tiên- Phòng Hành chính, tổng hợp