Chủ nhật, ngày 19 tháng 05 năm 2024
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 16/08/2023

Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều 15/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại phiên làm việc buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, các đại biểu tập trung chất vấn các nội dung về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản như: thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng....

Bên cạnh đó, các vấn đề về hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo… cũng được các đại biểu quan tâm, chất vấn để làm rõ.

chatvan 1

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn


Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc thực hiện liên kết theo chuỗi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết đây là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta. Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết. Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của nông sản của nước ta và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thống nhất với nhận định của đại biểu về thực trạng liên kết còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương thì chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp có nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững. Vấn đề đặt ra là nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này trong thời gian tới, từ đó khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá” hay câu chuyên nông dân bội tín với doanh nghiệp hay câu chuyện doanh nghiệp bỏ cọc hay thương lái bỏ cọc.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nếu không có chuỗi liên kết cũng sẽ khó mà phát triển ngành logistics; cũng như không thể nào số hóa bởi chỉ khi vào chuỗi, chỉ khi nào hợp tác xã đủ mạnh thì mới bắt đầu tiến hành số hóa. Nếu không tham gia chuỗi thì cũng không biết sẽ đưa khoa học công nghệ vào đầu nào là hợp lý nhất và giá trị lan tỏa nhiều nhất. Do đó, trong thời tới, Bộ NN&PTNT sẽ kiên trì cùng với các địa phương để xây dựng những mô hình chuỗi đồng bộ và hoàn thiện hơn; đồng thời cùng với các viện, trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để tác động chuỗi phát triển bền vững hơn. 

chat van2Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn


Trả lời câu hỏi về đất lúa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, cách đây 10 năm thì quy mô đất lúa nước ta khoảng trên 4 triệu ha. Hiện tại theo số liệu thống kê đất lúa còn 3,93 triệu ha. Theo Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ là chúng ta sử dụng linh hoạt 5 triệu ha đất lúa. Bộ trưởng làm rõ, linh hoạt ở đây có nghĩa là để đảm bảo an ninh lương thực và để sự phát triển kinh tế - xã hội thì cũng phải dành một quỹ đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết về quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Tại các địa phương cũng đã đều ổn định những diện tích đất lúa và đã có trong quy hoạch của tỉnh, xác định rõ phân khu vực dành cho đất nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau như về sản lượng lúa, bao nhiêu người nông dân trên đất lúa đó, rồi một chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, những con người ở phía sau chuỗi ngành hàng đó…

Do đó Bộ NN&PTNT cũng sẽ kiên trì cùng với các địa phương để phân tích những tình huống khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi với nguyên tắc cân nhắc và cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn.

chatvan 3

 Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn


Trả lời đại biểu về đời sống người nông dân còn bấp bênh, thu nhập thấp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết theo số liệu thống kê thì tỉ lệ người dân nông thôn là 27%, nghĩa là trong suốt quá trình vừa qua đã kéo giảm khu vực nông nghiệp và giảm tỷ trọng người dân làm nông nghiệp.

Tuy nhiên, cư dân ở nông thôn khoảng 65%, tức là ở nông thôn bao gồm cán bộ, công chức và những người hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp và nông thôn cũng rất là lớn. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần có những giải pháp không chỉ cho những người nông dân trực tiếp và những người lao động ở khu vực nông nghiệp, tính toán hài hòa cả người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và những người lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 “biến” lớn: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Trong điều kiện thế giới thay đổi hằng ngày, hằng giờ, những xung đột, những chính sách của các nước thay đổi liên tục, tính dự báo khó có thể cầu toàn, mà cần có sự linh hoạt ngắn hạn.

Trong hoàn cảnh như vậy, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan mong muốn rằng, kỳ vọng vào việc dự báo cần có giới hạn nhất định. Những dự báo tầm dài cần nỗ lực đảm bảo tính chính xác, tuy nhiên, những dự báo ngắn hạn có sự thay đổi liên tục.

chatvan4

 Đại biểu tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Đắk Lắk.


Về an ninh lương thực, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cũng đã có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực, hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo làm nảy sinh cơ hội, thời cơ cho chúng ta. Bộ trưởng đề nghị, trong tình hình như vậy, cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía, thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện. 

Về vấn đề “gỡ thẻ vàng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không được đảm bảo thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác.  

Bộ trưởng cho biết, so sánh với Philippines hoặc Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam, từ ngư dân tới doanh nghiệp được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các quốc gia này sử dụng các biện pháp rất mạnh, như đánh đắm tàu vi phạm quy định. 

Trong khi đó ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý, Bộ NN&PTNT sẽ chuyển danh sách này tới Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng khẳng định, đã đến lúc phải xử lý nghiêm nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi.

Liên quan đến việc phát triển ngành muối, Bộ trưởng cho biết hiện nay nghề muối truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, diện tích trồng muối đang thu hẹp, đời sống người dân làm muối chưa đảm bảo. Bộ trưởng cho rằng cần tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho ngành này, chuyển đổi từ tư duy sản xuất muối sang tư duy xây dựng nền kinh tế muối, đưa muối không chỉ là một gia vị, mà phải trở thành thực phẩm, dược phẩm, mĩ phẩm. Bộ đang thực hiện theo hướng đó, và nhiều doanh nghiệp cũng đang góp phần tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho ngành này.

Trả lời về giải pháp giải quyết tình trạng “được mùa mất giá”, vấn đề cung cầu trong lĩnh vực này, Bộ trưởng cho rằng nên tư duy lại vấn đề này, theo đó, không nên dùng từ “giải cứu” nông sản nữa mà đây là vấn đề của thị trường. 

chatvan5

 Đại biểu tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu chính. Ảnh: quochoi.vn


Về xây dựng thương hiệu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đã có nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đứng chân được ở trong những siêu thị lớn của nước ngoài. Có được kết quả này là quá trình của các doanh nghiệp kiên trì xây dựng thương hiệu giống như ngành hàng cà phê, ngành hàng gạo bắt đầu cũng đã chuyển biến. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục để phát triển thương hiệu những ngành hàng chủ lực, trong đó có sầu riêng. Một khi có được thương hiệu sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn lên rất nhiều. 

Về quy hoạch khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết có 3 trụ cột trong kinh tế biển là khai thác - nuôi trồng - bảo tồn. Bộ NN&PTNT cũng đã có quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cũng quy hoạch được 11/17 khu bảo tồn biển. Tuy nhiên về nguồn lực đầu tư cũng chưa thỏa đáng. Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, số khu bảo tồn biển phải chiếm 6% diện tích mặt biển nhưng đến này mới chỉ đạt 0,17%. 

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, làm tốt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển được các khu bảo tồn biển sẽ không chỉ mang lại giá trị kinh tế, giảm thiểu vấn đề khai thác kiểu tận diệt. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng chia sẻ hiện nay cấu trúc ngành thủy sản nước ta còn manh mún, do đó, các cơ quan phải cùng nhau, cộng đồng trách nhiệm, cùng với ngư dân, những người tham gia hậu cần ngành thủy sản và các hiệp hội ngành hàng mới có thể quản lý được tốt

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để trong thời gian tới thực hiện tốt hơn Đề án quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như Đề án phát triển khu bảo tồn…

chatvan6

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn


Phát biểu kết luận Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận các ĐBQH đã chuẩn bị kỹ các câu hỏi có chất lượng, phản ánh sát thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri; thực hiện đầy đủ các quy định về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, đảm bảo đúng thời gian quy định. Các Bộ trưởng và Trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn, với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách đã giải trình làm rõ thực trạng và đề xuất được nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ĐBQH đánh giá cao phần trả lời chất vấn, tán thành và ghi nhận các giải pháp, cam kết tại phiên chất vấn này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, từ các chất vấn của ĐBQH, nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội đã được kịp thời xem xét, giải quyết; nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội. Thông qua hoạt động chất vấn, còn giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật cũng như nâng cao trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát rất có hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng, với các giải pháp mà các Bộ trưởng đã cam kết, với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các vị ĐBQH, lĩnh vực quản lý thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét, vươn lên tầm cao mới, đi vào thực chất hơn; ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu…

                                                                                                                                                              TRÍCH NGUỒN: BÁO ĐẮK LẮK ĐIỆN TỬ

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang