Chuyển đổi số ở Đắk Lắk: Động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Chuyển đổi số ở Đắk Lắk: Động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
27/10/2022 10:28
Trong bối cảnh của tình hình dịch bệnh COVID-19, tầm quan trọng của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh càng đậm nét hơn, đặc biệt, nó đã trở thành động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đắk Lắk ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tham quan một gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp có ứng dụng công nghệ số của doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk
Xu thế tất yếu
Thời gian qua, người dân trong tỉnh ít nhiều đã cảm nhận được những thay đổi mà công nghệ số, nền kinh tế số tạo ra ở các mặt đời sống xã hội. Vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đã thể hiện qua hàng loạt lợi ích mà người dân được thụ hưởng, trong đó có việc tiếp cận nhanh chóng, bình đẳng nhất với tất cả các dịch vụ xã hội, tạo dựng một cuộc sống, môi trường sống hiện đại, văn minh và thông minh.
Chỉ với chiếc điện thoại smartphone, chị Nguyễn Thị Mai (trú phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã dễ dàng mua sắm online, thanh toán tiền trực tuyến qua tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, việc kinh doanh trà sữa của chị cũng được phần đông khách đặt hàng trên trang Facebook, Zalo của quán để nhân viên ship hàng đến tận nơi. Chị Mai chia sẻ: "Nhờ sự phát triển của công nghệ số, việc đóng, nộp thuế cũng trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Chỉ cần truy cập vào trang web của cơ quan thuế, điền thông tin và chuyển tiền vào tài khoản Ngân hàng Nhà nước là xong, không phải đến tận cơ quan thuế làm đủ loại thủ tục giấy tờ như trước kia".
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh.
Tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin, nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điển hình như Công ty TNHH Ban Mê Green Farm (địa chỉ: Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). Theo Giám đốc Công ty Nguyễn Thị Thái Thanh, doanh nghiệp đã từng bước chuyển đổi từ phát hành hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử; quảng bá thương hiệu, tiếp cận đối tác, thị trường xuất khẩu có hiệu quả. Sự thay đổi này đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mở rộng sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu để tiêu thụ nông sản cho người dân…
Ngày nay, công nghệ số, các ứng dụng và nền tảng số đã gần như hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những năm gần đây, ngành y tế đã triển khai nhiều ứng dụng số trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng, chống dịch, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, hiệu quả. Ðó là hệ thống quản lý, giám sát bệnh truyền nhiễm; hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia; các ứng dụng phòng, chống dịch. Nhờ đó, đã hỗ trợ tỉnh thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ngành giáo dục và đào tạo cũng chủ động, thích ứng nhanh với diễn biến dịch bệnh, áp dụng sinh động và hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số vào giảng dạy trực tuyến. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền cũng chuyển dần mô hình và phương thức quản lý hành chính, kinh tế, xã hội truyền thống sang nền tảng số. Công tác điều hành, quản lý, hội họp được thực hiện trực tuyến, sử dụng các nền tảng trên mạng Internet...
Tập trung nâng cao năng lực chuyển đổi số
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 2/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh xác định, tập trung phát triển và hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số. Cụ thể là khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh hướng đến Chính quyền số; tích hợp, chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và với cơ quan Trung ương, tạo cơ sở phục vụ chuyển đổi số; chú trọng phát triển kỹ năng số cho người dân, nhằm từng bước hình thành “công dân điện tử”. Theo đó, tỉnh cũng dự kiến bố trí khoảng 330 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng cơ bản; đồng thời, mỗi năm phân bổ khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Ban Mê Green Farm vẫn duy trì ổn định trong mùa dịch nhờ áp dụng công nghệ số.
Ông Trương Hoài Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay về cơ bản tỉnh Đắk Lắk đã chuẩn bị đầy đủ về cơ chế chính sách, nguồn lực để phục vụ công tác chuyển đổi số. Hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đã được các cơ quan, đơn vị chú trọng đầu tư để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Các hệ thống nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung, nền tảng đô thị thông minh, nền tảng thanh toán trực tuyến… dần được hoàn thiện sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi số những năm tiếp theo.
Kết quả nổi bật trong năm 2021 là UBND tỉnh đã ban hành 24 quyết định công bố Danh mục thủ tục hành chính. Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được triển khai hiệu quả, đồng bộ ở cả 3 cấp chính quyền. Các cơ quan, đơn vị cung cấp 1.543 dịch vụ công trực tuyến. Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã kết nối với nền tảng thanh toán tập trung trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Có 1.058 thủ tục hành chính được cập nhật vào cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 553 dịch vụ công cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4.
Phấn đấu đến năm 2025, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình và 100% xã; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử là trên 50%; Đắk Lắk thuộc nhóm các tỉnh được xếp loại A về an toàn, an ninh mạng.
baodaklak.vn