Công tác bảo vệ và phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn
Công tác bảo vệ và phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn
20:48, 28/03/2023
Chiều 28/3, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở NN-PTNT về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác trồng rừng tập trung; phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2019 - 2022.
Đắk Lắk hiện có 501.206 ha đất có rừng (gồm: rừng tự nhiên 426.046 ha, rừng trồng 75.160 ha); diện tích đất chưa có rừng là 232.423 ha; độ che phủ rừng là 38,35%. Diện tích rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hầu hết đã được giao cho các vườn quốc gia; ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; các công ty lâm nghiệp; các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế; đơn vị lực lượng vũ trang; hộ gia đình, cộng đồng và một số tổ chức sự nghiệp khác. Còn lại một số diện tích chưa có chủ, hiện do UBND cấp xã quản lý.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng phát biểu tại buổi làm việc. |
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn được tích cực triển khai. Trong giai đoạn 2019 - 2022, toàn tỉnh đã trồng được hơn 10.778 ha (trồng rừng phòng hộ, đặc dụng hơn 153 ha; trồng rừng sản xuất hơn 10.625 ha); phát hiện, tiếp nhận xử lý 5.142 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, số tiền thu sau xử lý hơn 48 tỷ đồng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ và phát triển rừng còn gặp một số khó khăn, hạn chế, như: Năng suất, chất lượng rừng trồng thấp, dẫn đến thu nhập từ kinh doanh rừng không cao, chưa thu hút được các nhà đầu tư trong việc trồng rừng; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng chưa trở thành phong trào và sức lan tỏa rộng trong cộng đồng; nạn khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở một số địa phương vẫn còn tiếp diễn, chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép diễn biến phức tạp; công tác trồng rừng, phát triển các mô hình lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; độ che phủ rừng đạt thấp…
Quang cảnh buổi làm việc |
Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT cũng đề xuất một số ý kiến như: Chính phủ xem xét tăng định mức đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng lên 70 triệu đồng/ha trở lên và hỗ trợ trồng rừng sản xuất hiệu quả từ 50 triệu đồng/ha trở lên để thu hút các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia trồng rừng; sớm xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng.
Đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trồng rừng đặc dụng, phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất mục đích gỗ lớn, đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn; chủ động xây dựng kế hoạch trồng rừng; các đơn vị chủ rừng chủ động rà soát quỹ đất, xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán giai đoạn 2023 - 2025…
Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương nêu những đề xuất với Đoàn giám sát tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng nhấn mạnh: công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hạn chế các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên, Sở NN-PTNT cần làm rõ những kiến nghị nêu ra trong báo cáo; sớm thu hồi những diện tích đất rừng bị lấn chiếm; đánh giá lại các mô hình phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo các địa phương, chủ rừng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; sớm ổn định dân di cư tự do nhằm tránh xâm lấn đất rừng… Đối với những kiến nghị, đề xuất của Sở, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền đề xuất giải pháp, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng nhằm phát huy lợi thế của rừng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Minh Thuận