Đắk Lắk: Nhiều cây thông cổ thụ bị hạ sát không thương tiếc
Đắk Lắk: Nhiều cây thông cổ thụ bị hạ sát không thương tiếc
Những gốc thông cổ thụ hàng chục chục năm tuổi bị cưa hạ không thương tiếc gốc cây còn “ứa mủ” tại km 65 xã CưNé, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk.
Sáng ngày 12/11, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đã thuê người dùng cưa xăng, cưa hạ rừng thông cổ thụ dọc QL14, tại km 65, xã Cư Né, huyện Krông Búk làm bức xúc dư luận người dân nơi đây.
Nhận được thông tin từ người dân PV Pháp luật Plus (Báo Pháp luật Việt Nam) đã đến hiện trường ghi nhận sự việc.
Theo quan sát của PV có 7 gốc cây thông còn lại tại hiện trường, có gốc cây thông còn đang “ứa mủ”. Theo một số người dân có mặt tại hiện trường cho biết vào ngày 10/11/2022, Hạt kiểm lâm huyện Ea H’leo, Krông Búk đã kiểm tra phát hiện một xe công nông do ông Nguyễn Minh Hùng (sinh năm 1987, trú xã Cư Né huyện Krông Búk) điều khiển, trên xe chở gần 1,7 m3/ (13 lóng gỗ tròn) gỗ thông ba lá nên yêu cầu dừng xe, đưa về trụ sở để tiếp tục làm rõ.
Thật xót xa cây thông dài hơn 20m, thân lá còn tươi bị “hạ sát” gây bức xúc dư luận (Ảnh: Lê Nhuận)
Tại trụ sở Hạt kiểm lâm Krông Buk ông Nguyễn Minh Hùng cho biết, là người trực tiếp cưa hạ và đang vận chuyển số lượng gỗ thông trên cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Búk.
Tiếp sau đó, các cơ quan chức năng trực tiếp kiểm tra, xác minh hiện trường tại km65 (xã Cư Né, huyện Krông Búk) phát hiện thêm nhiều cây thông đã bị cưa hạ nhưng vẫn chưa vận chuyển đi. Cụ thể, tại hiện trường lực lượng chức năng kiểm đếm được 7 cây thông bị cưa hạ. Tại hiện trường còn 15 lóng gỗ tròn mới được cưa ra (10 lóng gỗ tươi, 5 lóng gỗ khô) tổng khối lượng lâm sản hơn 2,4 m3.
Một gốc thông có đường kính gần 70cm còn rỉ mủ bị cưa hạ tại km65, xã Cư Né huyện Krông Buk., cùng hàng chục lóng gỗ chưa kịp chở đi (Ảnh: Lê Nhuận)
Trao đổi với PV ông Lục Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Cư Né, huyện Krông Búk cho biết: “Tại vị trí km65, qua khảo sát liên nghành có cây khô có nguy cơ gãy đổ. Sau khi rà soát xong Phòng Nông nghiệp đã báo cáo cho UBND huyện và UBND huyện thống nhất giao cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện lập dự toán, đồng thời tổ chức xử lý, thu gom. Tuy nhiên, đến ngày 10/11/2022 Ban Chỉ huy Quân sự huyện có thông báo đột xuất thì xã không đồng ý đi cùng vì không cử được cán bộ tham gia giám sát”.
Theo ông Phương, UBND xã không cử được người đi giám sát nhưng Ban Chỉ huy Quân sự huyện vấn thuê người cưa hạ cây. Sau khi phát hiện vụ việc UBND xã đã kết hợp với Kiểm Lâm huyện tiến hành lập biên bản xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trong biên bản làm việc lập ngày 10/11/2022, đại diện Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định, chưa đồng ý cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện cưa hạ số cây thông trên, nhưng không hiểu vì lý do gì đơn vị này lại thuê người đi cưa hạ nhiều cây thông trong đó có 2 cây thông tươi chưa được đưa vào danh sách “đỏ”.
Theo một lãnh đạo Chi cục trưởng Kiểm Lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc cưa hạ nhiều cây thông ba lá nhiều năm tuổi tại xã Cư Né, huyện Krông Búk liên quan đến Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Búk. “Sau khi nắm bắt được thông tin tôi đã chỉ đạo hạt kiểm lâm địa phương phối kết hợp với các cơ quan có thẩm quyền làm rõ để báo cáo. Quan điểm ai làm sai thì xử lý theo đúng quy định của pháp luật.”
Một số hình ảnh được PV Pháp luật Plus ghi nhận:
Một gốc thông đang "ứa mủ" bị cưa hạ nhìn rất xót xa (Ảnh: Lê Nhuận)
Hiện trường vẫn còn một số thân cây đã bị cưa hạ nhưng chưa kịp chuyển đi (Ảnh: Lê Nhuận)
Khi chưa có quyết định của cơ quan chức năng nhưng những cây thông cổ thụ vẫn bị cưa hạ (Ảnh: Lê Nhuận)
Theo một cán bộ của Hạt kiểm lâm huyện Krông Buk cũ (giờ đã sáp nhập vào Hạt kiểm lâm Ea Hleo) cho biết: "Đây là rừng thông cổ thụ thuộc rừng phòng hộ dọc Quốc lộ 14, vụ việc này lãnh đạo hạt đã báo cáo lên trên và chờ kết quả giải quyết".
Vụ việc hạ sát thông cổ thụ gây bức xúc dư luận, độc giả của Pháp luật Plus (Báo Pháp luật Việt Nam) và người dân nơi đây kính mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Đắk Lắk vào cuộc điều tra làm rõ