Hội nghị Tham vấn về giao đất, giao rừng và quản lý rừng tự nhiên trong thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư
Sáng ngày 14/8/2023, Tại Hội trường Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Khoa học kinh tế Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị Tham vấn về giao đất, giao rừng và quản lý rừng tự nhiên trong thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị về phía đoàn công tác của Hội Khoa học kinh tế Nông nghiệp Việt Nam có ông Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Nông nghiệp Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT là trưởng đoàn chủ trì Hội nghị.
Ông Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Nông nghiệp Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT
Về phía tỉnh Đắk Lắk, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT có ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở đồng chủ trì Hội nghị. Ngoài ra còn có các đại diện đến từ các sở, ban, ngành có liên quan, Trường Đại học Tây Nguyên, Viện Khoa học kỹ thuật NLN Tây Nguyên... cũng về tham dự Hội Nghị.
Các đại biểu tham gia phiên tham luận
Việc giao đất, giao rừng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. Chủ trương này giúp cho các tổ chức, cộng đồng dân cư và các hộ gia đình, cá nhân được cơ hội để nhận đất và rừng nhằm quản lý, bảo vệ và sản xuất để phát triển kinh tế. Việc này, góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng, sử dụng hiệu quả hơn quỹ đất lâm nghiệp cũng như nâng cao chất lượng công tác bảo vệ rừng của các địa phương tham gia thực hiện chính sách này.
Với tinh thần quyết tâm “rừng phải thực sự có chủ”, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị và địa phương phải tham mưu quyết liệt trong công tác giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh và đã đạt được những kết quả nhất định như đã nêu trên; tuy nhiên với diện tích tự nhiên tương đối lớn, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong tỉnh phân bố trên nhiều xã, phường thuộc các huyện, thành phố không tập trung, với nhiều chủ hộ, đơn vị tham gia hợp đồng quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng. Điều này dẫn đến sự khó khăn trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và rừng trên địa bàn tỉnh. Một số tồn tại, hạn chế chung như:
- Công tác bảo vệ rừng diện tích đã giao chưa đạt hiệu quả, rừng giao, cho thuê vẫn bị phá, bị khai thác trái pháp luật, suy giảm chất lượng rừng. Một số địa phương diện tích rừng đã được giao vẫn bị xâm hại, chặt phá, lấn chiếm trái phép. Công tác quản lý bảo vệ rừng, tổ chức sản xuất kinh doanh và phát triển rừng của các chủ rừng chưa theo phương án giao rừng, dẫn đến thực hiện chưa hiệu quả. Một số địa phương công tác giao rừng chưa được thực hiện nghiêm túc, triến khai chậm, thiếu sự hướng dẫn, kiểm tra trong quá trình tổ chức giao, nhận rừng.
- Trong quá trình thực hiện, sự phối hợp giữa các ngành có liên quan trong chỉ đạo triển khai chưa thật sự chặt chẽ, đặc biệt là giữa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tài nguyên - Môi trường trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; ngành Tài chính trong cấp phát vốn.
- Trách nhiệm pháp lý trong giao rừng chưa được xác lập, trình tự chưa tuân thủ đúng quy định, ranh giới vị trí địa điểm giao cho từng đối tượng không rõ trên thực địa, diện tích hiện trạng trên thực tế không đúng với hồ sơ giao rừng, một số hồ sơ giao rừng chỉ có quyết định giao rừng, không có số liệu tài nguyên rừng, bản đồ hiện trạng rừng v.v...
- Phần lớn các chính sách và quy định trong lĩnh vực giao đất, giao rừng hiện hành của Nhà nước chỉ mới giải quyết được phần “tiên” còn phần “hậu giao đất giao rừng” chưa có, khiến người dân còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng sau khi nhận đất nhận rừng, không biết phải làm gì và vốn đâu để đầu tư, ...
- Hiệu quả kinh tế khi nhận rừng còn thấp, hưởng lợi từ nhận đất, nhận rừng chưa rõ ràng, chu kỳ kinh doanh lâm nghiệp dài rủi ro cao khó cạnh tranh với các cây trồng nông nghiệp có chu kỳ ngắn, hiệu quả cao./.
TRÍCH NGUỒN: CỔNG TTĐT SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT