HUYỆN CƯ M’GAR THÀNH LẬP ĐOÀN LIÊN NGÀNH SỐ 2029 PHỐI HỢP VỚI CÁC ĐƠN VỊ CHỦ RỪNG KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM LUẬT LÂM NGHIỆP, LUẬT ĐẤT ĐAI.
Nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, hạn chế tới mức thấp nhất các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật đất đai trên địa bàn huyện, Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar đã tham mưu UBND huyện thành lập đoàn liên ngành số 2029 để phối hợp với các đơn vị chủ rừng kiểm tra, xử lý vi phạm luật lâm nghiệp, luật đất đai.
Trong thời gian 30 ngày (từ ngày 23/6/2023 đến ngày 23/7/2023), Đoàn kiểm tra đã tổ chức tuần tra, kiểm tra tại các Tiểu khu 541, 542, 543 thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing; Tiểu khu 540, 546, 547a, 550, 551 thuộc lâm phần của Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (Lâm trường Buôn Ja Wầm). Kết quả phát hiện, lập hồ sơ kiểm tra ban đầu 22 vụ vi phạm, trong đó: Phá rừng trái pháp luật: 04 vụ (02 vụ có đối tượng vi phạm; 02 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm), diện tích rừng thiệt hại 1,41 ha. Lấn, chiếm đất lâm nghiệp: 18 vụ (có đối tượng vi phạm), tổng diện tích đất bị lấn chiếm là 23,98 ha.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 2029 tiến hành tuần tra, kiểm tra và xử lý đối tượng vi phạm.
Qua đó cho thấy công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn luôn được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chi cục Kiểm lâm, Huyện uỷ, HĐND huyện, UBND huyện, chỉ đạo các ngành chức năng, các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng; Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Lãnh đạo UBND huyện biểu dương, khen thưởng đối với các cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Đoàn kiểm tra liên ngành số 2029.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn một số khó khăn, tồn tại cần phải quan tâm giải quyết trong thời gian tới như: Tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn huyện rất phức tạp, đến thời điểm hiện tại là 220 hộ (chủ yếu là người đồng bào H’mông) đang sinh sống, canh tác trong rừng từ lâu, gây áp lực rất lớn đến việc quản lý bảo vệ rừng; Lực lượng bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng xin nghỉ việc nhiều do tình trạng nợ lương kéo dài, áp lực công việc lớn, nguy hiểm; Tình trạng cố ý gây thương tích, đe dọa Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng diễn ra thường xuyên…dẫn đến thiếu nhân lực bảo vệ rừng, gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý bảo vệ rừng, đất rừng của chủ rừng; Các đơn vị chủ rừng chưa chủ động làm việc với chính quyền địa phương để tổ chức tuyên truyền, họp dân về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; Việc các đối tượng mang các loại dụng cụ, công cụ vào rừng tự nhiên; Lập lán, trại trong rừng vẫn diễn ra, tuy nhiên chưa được chủ rừng kịp thời ngăn chặn, lập hồ sơ báo cáo với người, cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định; Qua kiểm tra, phát hiện số vụ việc lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật (lập lán trại, nhà tạm, trồng hoa màu như Cà Phê, Điều, Mì, Bắp, Đậu…) đa số đã diễn ra từ nhiều năm trở về trước, tuy nhiên chưa được đơn vị chủ rừng kiểm tra, lập hồ sơ ban đầu báo cáo cơ quan chức năng xử lý; 03 trạm QLBVR của Công ty TNHH LN Buôn Ja Wầm đặt tại vị trí trên trục đường giao thông, nằm cách xa khu khu vực rừng quản lý, bảo vệ nên trong công tác kiểm tra, tuần tra, ngăn chặn, phát hiện đối tượng chưa kịp thời dẫn đến nhiều vụ việc vi phạm không phát hiện được đối tượng.
Trần Hoàng Long - Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar