Lầm lũi giữ rừng, rưng rưng nước mắt: [Bài 2]
Lấy Trạm Khe Sướn khốn khó đủ bề để nêu tình cảnh thê thảm chung của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, họ quanh năm lầm lũi giữ rừng với chế độ bọt bèo.
Lầm lũi giữ rừng, rưng rưng nước mắt: [Bài 1] Giữ rừng Kỳ Sơn, bao người bỏ quên xuân xanh trên đỉnh trời
Trạm khe Sướn thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương là đơn vị có điều kiện sinh hoạt khốn khó bậc nhất. Ảnh: Việt Khánh.
Ngỡ như thời bao cấp
Đúng dịp 30/4, tôi nhận được tin nhắn từ anh Lê Phùng Thiều, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương: "Ngày nghỉ lễ, người người, nhà nhà sắm sanh đi du lịch, ngược lại anh em các Trạm bảo vệ rừng vẫn tất bật trực cháy rừng suốt ngày đêm. Anh vừa phải đi vay để mọi người ứng ít đồng làm quà cho vợ con ngày lễ, cám cảnh lắm".
Những lời trên chẳng phải sáo rỗng, bởi đó là thực trạng chung tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn Nghệ An, nơi vẫn tự hào là tỉnh nhiều rừng và đất lâm nghiệp nhất cả nước. Với tư cách “chủ rừng”, đương nhiên họ là những người đầu tiên phải “giơ đầu chịu báng” khi xảy ra sự cố.
Việc nặng, người neo thành thử án kỷ luật luôn treo lơ lửng trên đầu, đổi lại chỉ là đồng lương bọt bèo, không tương xứng với sức lực bỏ ra. Nghịch cảnh tồn tại dai dẳng đã dẫn đến tình trạng chảy máu nhân lực, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách quán xuyến rừng thường trực cứ thế rơi rụng dần.
Cung đường khổ ải gây ngán ngại đối với cả những tay đi rừng chuyên nghiệp nhất. Ảnh: Việt Khánh.
Trở lại với Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, đơn vị này có 8 Trạm Quản lý bảo vệ rừng với tổng cộng 22.000 ha, trải dài từ địa phận xã Thanh Thủy lên đến Khe Vều, giáp huyện Anh Sơn nằm dọc theo biên giới Việt Lào. Đơn vị nào cũng khốn khó nhưng bi đát hơn cả là 2 Trạm Khe Vều và Khe Sướn.
Từ trung tâm di chuyển đến Trạm Khe Sướn chỉ tầm 40 cây số nhưng không hề dễ xơi, đặc biệt là 5 km sau cùng. Đường bó hẹp chỉ đủ 1 thân xe, nền đường chưa được gia cố chỉ trơ trọi bùn đất, mưa xuống nhão nhoét đến cùng cực, chỉ vài cây số thôi nhưng chi chít hàng chục “ổ voi” sâu hoắm, một bên là vách núi, một bên là vực sâu.
Để di chuyển trên cung đường khổ ải đòi hỏi phải là những con xe 2 cầu chuyên dụng, càng trâu càng được việc. Cảnh tượng ngán ngẩm đến độ cánh đi rừng chuyên nghiệp còn lắc đầu thè lưỡi chứ nói gì đến những cán bộ áo trắng cổ cồn, có lẽ bởi thế mà từ khi thành lập đến nay, Trạm Khe Sướn chưa đón bất kỳ lãnh đạo nào của tỉnh Nghệ An, hay của ngành lâm nghiệp đến ghé thăm.
Lực lượng bảo vệ rừng khe Sướn chia sẻ cuộc sống thường nhật với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam (áo đen). Ảnh: Anh Khôi.
Trạm Khe Sướn được bố trí 4 người, ngoài Trạm trưởng Bùi Sỹ Khanh nằm trong diện biên chế, số còn lại (Đỗ Viết Tùng, SN 1969; Trần Ngọc Toản, SN 1976; Lê Đình Khánh, SN 1982) là những hợp đồng tự trang trải (lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách).
"Trạm hiện đang đóng trên đất của Tập đoàn Cao su, để đến được ranh giới gần nhất của rừng phòng hộ phải di chuyển đường bộ hàng tiếng đồng hồ. Trạm quản lý gần 4.000 ha, thuộc địa giới 2 xã Thanh Đức và Hạnh Lâm với chủ yếu là rừng tự nhiên phòng hộ nằm dọc đường biên giới Việt Lào, diện tích này trước đây thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong 2, nay bàn giao lại cho Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý, bởi thế sức ép đặt ra rất lớn".
Trạm Khe Sướn thành lập từ 2017, từ bấy đến nay vẫn “nát như xơ mướp”, sau 1 năm chịu cảnh ăn nhờ ở đậu do nguồn vốn không có nên lãnh đạo Ban gắng gượng xoay xở, xây dựng nhà tạm qua loa cho anh em có chỗ tá túc qua ngày. Nhà gỗ cũ thấp lè tè được xây dựng trên nền đất, mái lợp bằng tôn rẻ tiền, xung quanh thưng đủ gỗ tạp thải loại, bốn bề trống trơn, hở toang hoác.
Những hình ảnh cám cảnh tại Trạm Khe Sướn. Ảnh: Việt Khánh.
Những ngày hè đổ lửa tựa cực hình, chịu không nổi biển lửa hầm hập buộc anh em phải tính phương án chữa cháy bằng cách lắp hệ thống “phun sương”, nước lấy từ trên khe núi cứ thế xối thẳng kịch liệt lên mái hòng giảm nhiệt.
Đông đến nền nhiệt lại xuống thấp hơn mức bình thường, màn đêm buông xuống kéo theo gió rừng rít kèn kẹt từng cơn, chúng thi nhau len lỏi qua những khe hở trước khi dội thẳng vào giường ngủ, cảm giác chẳng khác nào những cơn sốt rét cấp tính tràn qua, ai nấy cứ thế run lên bần bật, răng nghiến ken két, đầu óc bấn loạn chỉ mong sao trời sáng thật mau.
Theo Trạm trưởng Bùi Sỹ Khanh, chung quy đời sống anh em giữ rừng còn lắm cơ cực, nặng nhọc nhất đương nhiên là những lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra rừng. Chuyến nào nhàn nhã nhất cũng mất nguyên ngày trời, riêng những tuyến tuần tra khu vực đường biên chí ít cũng kéo dài 3 - 4 ngày, gồm 1 ngày đi, 1-2 ngày ở hiện trường và 1 ngày về.
Ở rừng không có lán trại nên phải tự chủ từ A đến Z, xoong nồi, bát, chảo, gạo, thóc đều đủ cả, hành trang dẫu lỉnh kỉnh nhưng chẳng còn cách nào khác. Dựa vào những điều mắt thấy tai nghe, thừa nhận rằng ông Khanh không quá lời.
Tuần tra rừng biền biệt, trèo đèo lội suối là công việc chuyên môn thường nhật. Ảnh: Việt Khánh.
“Tuần tra ở Trạm Sướn, nơi nào khó khăn, hiểm trở nhất"?, phóng viên hỏi. Đáp lại, Trạm trưởng Khanh chẳng hề giấu giếm: “Đường đi lối lại trong rừng sâu rất khó nhằn, nhìn chung đều phải trèo đèo, lội suối, có những lần phải di chuyển 4 tiếng đồng hồ mới hết chiều dài một tuyến khe. Theo dông, theo suối băng rừng còn dễ định hình chứ những điểm bằng, băng cắt đòi hỏi vừa di chuyển vừa phát quang, nếu không có kinh nghiệm chắc chắn sẽ mất phương hướng.
Thời tiết khắc nghiệt cũng là một rào cản, lắm khi khởi hành tiết trời đang hanh khô nhưng lúc thất thểu quay về lại mưa tầm tã. Thường, nếu mưa thông tầm cả tiếng đồng hồ thì không thể di chuyển, khi đó dẫu gấp gáp đến đâu cũng đành nán lại chờ nước rút.
Có lần, anh Hiệp (Trưởng phòng Tổng hợp Ban Quản lý Rừng phòng hộ) bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi ở khu vực thác ngầm, máy móc, vật dụng bị cuốn phăng hết cả, may thay trong lúc cấp bách nhất còn kịp bám vào vách đá nhô ra mới bảo toàn được tính mạng”.
Năm 2016, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương tiếp nhận thêm 7.456 ha rừng phòng hộ từ Tổng đội Thanh niên xung phong 2, nâng diện tích quản lý trải dài từ vùng Sướn, xã Hạnh Lâm lên đến vùng Cao Vều, giáp ranh huyện Anh Sơn, có nơi tiếp giáp tận biên giới Việt - Lào. Thời điểm đó không có Trạm Quản lý Bảo vệ rừng, để đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn Ban đã gắng sức bố trí kinh phí làm nhà tạm (khung gỗ mua lại nhà cũ, mái tôn tận dụng…) cho Trạm Khe Sướn và Khe Vều. Điểm chung cả 2 nơi đều đi lại khó khăn, không có điện nước, không có sóng điện thoại, gần như biệt lập với bên ngoài.
Ái ngại tình cảnh phải “mượn đất”, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thanh Chương đã nhiều lần đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, cấp vốn để xây dựng kiên cố 2 trạm này, qua đó ổn định tâm lý cho anh em giữ rừng. Nhu cầu cấp thiết là vậy nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được ngó ngàng tới.
"Chúng tôi đang bị tụt lại phía sau"
Ngót 30 năm trong nghề, thuộc diện biên chế chính thức, lại có thêm chế độ chức vụ nhưng tổng thu nhập hàng tháng của Trạm trưởng Bùi Sỹ Khanh chỉ rơi vào 7 triệu đồng, dù quá “hẻo” so với mặt bằng chung nhưng xem ra còn tốt chán so với 3 người còn lại tại Trạm Khe Sướn, cũng như tổng thể lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách toàn tỉnh Nghệ An.
Ông Đỗ Viết Tùng, quê gốc ở Nam Định, vào Nghệ An từ năm 1997, thời gian gắn bó với ngành lâm nghiệp cũng suýt soát quãng ấy. Trước khi là thành viên của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, ông Tùng là cán bộ của Lâm trường Thanh Chương. Vợ ông cũng là cán bộ lâm nghiệp nhưng nay đã nghỉ chế độ, mỗi tháng được nhận khoảng 3 triệu đồng.
Về phần mình, ông Tùng là diện hợp đồng tự trang trải nên dù thâm niên thuộc diện “lão làng” nhưng mức thu nhập tất thảy chỉ gói gọn quanh con số… 3,5 triệu đồng/tháng. Rẻ mạt là vậy nhưng chẳng bao giờ đồng lương về đúng ngày, đúng tháng, đúng là nghèo còn mắc cái eo.
Thâm niên trong nghề ngót 25 năm nhưng thu nhập của ông Tùng chỉ khoảng... 3,5 triệu đồng. Ảnh: Việt Khánh.
"Tổng thu nhập của 2 vợ chồng chưa nổi 7 triệu đồng/tháng, con số này chắc chắn không đủ cho 4 con người, đặc biệt khi phải loay hoay dàn trải tận 3 bếp ăn (ông Tùng ở trạm, vợ ở nhà, con cái đi xa). Khó phải nai lưng ra làm, cũng may còn chút diện tích rừng trồng giao khoán trước đó để có cái mà nhìn vào, bằng không thì chết đói. Những anh em gắn bó với nghề trụ đến giờ cơ bản đều thâm niên trên 20 năm, trước nay chỉ chuyên tâm với rừng, nay tuổi đời đã cao thành thử rất ngại thay đổi môi trường, phần nữa là tiếc chế độ bảo hiểm, đúng là bỏ thì thương mà vương thì tội”, ông Tùng bộc bạch những lời gan ruột.
Hai người con của ông Tùng dù chưa lập gia đình nhưng cũng đã đến độ tuổi để xác định ngã rẽ cho tương lai, đặc biệt là cháu trai sinh năm 1998. Khi được hỏi có định hướng cho con nối nghiệp hay không, ông Tùng dứt khoát: “Không, bố mẹ chúng nếm trải như thế là đủ rồi”.
"Trực tiếp vào Trạm Khe Sướn hẳn anh cũng thấu hiểu phần nào nỗi cơ cực của anh em chúng tôi, đến di chuyển đơn thuần thôi đã vất vả là vậy thì nhiệm vụ chuyên môn chắc chắn phải nặng nề gấp bội phần. Chế độ chưa tương xứng nhưng nhiệm vụ không thể bỏ bê, xác định rõ như thế nhưng nhiều khi túng quẫn quá lại muốn buông xuôi. Nghề rừng thực sự nhiều vất vả, lắm gian truân, mong sao các cấp ngành thấy rõ thực trạng để chăm lo hơn cho lực lượng lâm nghiệp, đặc biệt là bộ phận bảo vệ rừng chuyên trách".
Tiếng là thành viên trẻ nhất trạm Sướn nhưng thực chất anh Lê Đình Khánh cũng đã bước sang tuổi 40, non nửa xuân xanh gắn với nghề rừng, quãng thời gian dủ dài để thấu hiểu hơn ai hết những đắng cay, chua chát. Cùng là phận bảo vệ rừng chuyên trách nhưng hoàn cảnh của Khánh còn thê thảm hơn, đúng phận “trâu chậm uống nước đục”.
Vào nghề khi chủ trương “giao đất giao rừng” cơ bản đã xong xuôi, đến lượt thì chẳng còn đất rừng để chia, nhà cũng chẳng có ruộng nương, chung quy số tiền lương tháng hơn 3 triệu đồng của Khánh là nguồn thu độc nhất là của gia đình 4 miệng ăn (cháu lớn lớp 7, cháu nhỏ lớp 1), thực sự cám cảnh vô cùng tận.
Gắn bó với trạm Sướn từ ngày đầu thành lập, quanh năm suốt tháng lầm lũi nơi chốn rừng già khiến nhịp sống của anh Khánh như chậm lại so với thời cuộc. Thương chồng vất vả, vợ anh Khánh nhiều lần đánh đường vào thăm, lần nào quay ra cũng giàn giụa nước mắt, đan xen thêm cả trăm mối tơ vò.
Công sức lớn lao của lực lượng giữ rừng chuyên trách đang bị quên lãng? Ảnh: Việt Khánh.
“Lấy chồng lâm nghiệp thua thiệt đủ đường, là người trong cuộc khó tránh khỏi cắn rứt lương tâm. Bao nhiêu năm rồi chế độ cho lực lượng bảo vệ rừng gần như không đổi, ngược lại mức sống tăng nhanh, vật giá leo thang chóng mặt. Quả thực chúng tôi ngày một tụt hậu so với nhịp đập của thời cuộc, rõ nhất là ngay đến kinh phí hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cũng chưa đến tay.
Bảo vệ rừng đi biền biệt quanh năm, về dịp nào 2 đứa nhỏ lại quấn quýt cả ngày lẫn đêm, biết bố chẳng có tiền nên lâu rồi chúng nó cũng không đòi quà”, nói đến đây Khánh nghẹn lại, đôi mắt đượm buồn hướng ánh nhìn về chốn xa xăm.
Ngày 14/6 vừa rồi, anh Lê Đình Khánh chính thức được chuyển công tác về Trạm Khe Trơn. Địa bàn mới nhưng mọi thứ vẫn như cũ, công việc vẫn thế, chế độ vẫn vậy...