Phía sau những cánh rừng: Gian nan bài toán giữ chân người giữ rừng (Bài 4)
Quyền hạn thấp, trách nhiệm cao, hàng loạt cán bộ kiểm lâm đã xin nghỉ việc, từ chức, xin xuống làm nhân viên, thậm chí nhiều người không dám ứng tuyển.
Nhiều cán bộ xin từ chức, xuống chức
Số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 497.018ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên là 413.845ha, rừng trồng 83.173ha. Diện tích đất lâm nghiệp không có rừng là 239.689ha.
Với quy mô rừng nói trên, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho hay, theo đề án vị trí việc làm, lực lượng Chi cục Kiểm lâm phải có 327 công chức mới đảm bảo nhu cầu công việc.
Tuy nhiên, thực tế giao hiện nay chỉ có 255 công chức, trong đó tổng biên chế đang hoạt động là 237, chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, tương đương mỗi Hạt Kiểm lâm huyện thiếu từ 4-7 công chức. Do thiếu biên chế, có những trường hợp 1 kiểm lâm phải kiêm nhiệm nhiều xã, với diện tích từ 7-10.000ha rừng.
Tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 497.018ha rừng.
"Lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng là những người trực tiếp làm việc trong rừng sâu hàng ngày, điều kiện sinh hoạt, ăn ở, làm việc vô cùng thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Đồng thời, phải tự túc phương tiện, bỏ tiền túi đổ xăng để đi tuần tra, bảo vệ rừng. Hơn thế nữa, họ còn đối mặt với nhiều nguy hiểm, thường xuyên vấp phải sự chống trả quyết liệt của đối tượng vi phạm, thậm chí tính mạng bị đe dọa, sức khỏe suy giảm. Thế nhưng, chế độ chính sách đối với người bảo vệ rừng chưa đảm bảo. Chưa kể, một số đơn vị đứng trước viễn cảnh rất khó khăn, phải giảm biên chế, nhất là đội ngũ làm công tác quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm còn xảy ra ở nhiều đơn vị”, ông Hưng thông tin.
Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách quy định về quyền năng của lực lượng quản lý bảo vệ rừng đối với việc trấn áp các đối tượng lâm tặc rất hạn chế. Lực lượng bảo vệ rừng chỉ được trang bị các công cụ như: gậy, súng hơi cay.... Tuy nhiên, nếu không may dùng công cụ hỗ trợ không đúng quy định (tự vệ chưa chính đáng), gây thương tích cho các đối tượng thì hậu quả khôn lường sẽ xảy ra với bản thân các cán bộ bảo vệ rừng.
Hàng ngày, lực lượng kiểm lâm phải đi tuần tra ở các cánh rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Ông Phạm Văn Chung, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 11, Vườn quốc gia Yók Đôn lý giải: “Khi đối tượng có hành vi chống đối, xâm phạm đến tài sản, tính mạng của lượng lượng làm nhiệm vụ thì mới được sử dụng súng bắn chỉ thiên để cảnh cáo đối tượng. Nếu đối tượng không chấp hành, vẫn ngoan cố thì lực lượng bảo vệ rừng mới được dùng súng để phòng vệ. Quá trình sử dụng công cụ hỗ trợ, nếu chẳng may sơ suất, sử dụng công cụ hỗ trợ không đúng quy định, không đúng thời điểm, không đúng mục đích thì cán bộ sẽ trở thành người vi phạm”.
Theo Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, những khó khăn nói trên dẫn đến nhiều hệ lụy. Theo đó, công tác quản lý bảo vệ rừng buông lỏng dẫn đến rừng bị xâm hại. Không chỉ vậy, rất nhiều cán bộ kiểm lâm xin nghỉ việc, xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu.
Các cán bộ bảo vệ rừng lội bộ qua những con suối trên đường đi tuần tra.
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk có 5 công chức xin nghỉ việc, 13 công chức xin chuyển công tác, 44 công chức xin nghỉ hưu trước tuổi, 3 công chức xin từ chức, xuống chức từ vị trí lãnh đạo xuống làm chuyên viên.
Mặt khác, nhiều lãnh đạo quản lý các công ty lâm nghiệp cũng xin thôi việc, tự ý bỏ việc, thậm chí có Công ty TNHH MTV không thể tiếp tục hoạt động nếu không được hỗ trợ kinh phí để tuyển dụng nguồn nhân lực kịp thời.
Theo báo cáo của các chủ rừng, trong 5 năm trở lại đây, tại các Công ty TNHH MTV, hai thành viên có trên 150 người xin nghỉ việc. Nguyên nhân nghỉ việc phần lớn do quyền hạn thì thấp nhưng trách nhiệm cao, công việc vất vả, chế độ lương thưởng, đãi ngộ rất thấp không ổn định cuộc sống.
Không chỉ làm việc vất vả, lực lượng bảo vệ rừng còn phải sống kham khổ.
Nói đến đây, ông Hưng không khỏi nghẹn ngào: “Khi anh em đưa đơn lên xin nghỉ việc, bản thân tôi vô cùng day dứt, hết lời khuyên can, năn nỉ anh em cố gắng cộng sự với mình để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, nhiều anh em nói rằng khổ quá rồi, còn vợ con, nếu gắn bó với nghề thì không thể giữ được hạnh phúc gia đình. Có nhiều trường hợp nghỉ việc, chuyển công tác để lo mưu sinh”.
Hạ tiêu chuẩn xuống thấp nhất vẫn không thể tuyển dụng
Khó khăn, thách thức đặt ra đối với ngành lâm nghiệp chưa dừng lại ở đó. Thời gian qua, nhiều đơn vị đã hạ tiêu chuẩn xuống mức thấp nhất nhưng vẫn không tìm được người.
Thiếu thốn chồng chất, các cán bộ kiểm lâm phải tăng gia sản xuất, trồng rau để bữa ăn được cải thiện.
Ông Trần Quốc Huy, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, hiện đơn vị đang quản lý hơn 27.000ha rừng. Với quy mô này, đơn vị có 66 viên chức và hợp đồng thêm 15 cán bộ trả lương theo dịch vụ môi trường rừng nhưng vẫn không đáp ứng đủ lực lượng theo nhu cầu công việc. Do lực lượng quá mỏng nên anh em tại các trạm kiểm lâm không có thời gian để nghỉ ngơi, phải làm việc cả những ngày lễ, Tết, thứ Bảy, Chủ nhật.
Cũng theo ông Huy, từ năm 2018 đến nay, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có 27 viên chức, hợp đồng lao động xin nghỉ việc, chuyển công tác, nghỉ hưu trước tuổi.
Để đảm bảo công tác quản lý bảo vệ rừng, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô thường xuyên tuyển dụng các nhân viên hợp đồng trả lương theo dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn.
“Do mức lương quá thấp, với 5 triệu đồng/tháng nên có người học đại học xong, vô xin việc nhưng sau khi hỏi lương, chế độ xong thì lẳng lặng ra về. Có người vô làm được vài tháng cũng tự xách ba lô về mà không báo với lãnh đạo Ban. Thậm chí, chúng tôi đã hạ tiêu chuẩn tuyển dụng xuống mức thấp nhất chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT thì sẵn sàng tuyển vào làm hợp đồng nhưng vẫn không có ai ứng tuyển”, ông Huy chia sẻ.
Ông Trần Quốc Huy, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cho biết, đơn vị đã hạ tiêu chuẩn tuyển dụng xuống mức thấp nhất nhưng vẫn không có ai ứng tuyển.
Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quốc Hưng cũng cho hay, do áp lực công việc quá lớn, chế độ, lương bổng thấp nên việc tuyển dụng người vào làm trong ngành lâm nghiệp rất khó khăn. Trong 4 năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ tuyển được 31 công chức.
“Nếu như trước đây, sinh viên học ngành Lâm nghiệp rất nhiều thì thời gian gần đây, không có người đăng ký học. Số lượng sinh viên theo học ngành Lâm nghiệp tại Trường đại học Tây nguyên rất ít, chỉ dưới 10 học viên/năm. Chưa kể, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp, ra trường không muốn vào làm tại các cơ quan quản lý nhà nước. Với thực trạng này, trong vòng 10 năm tới, không biết có lực lượng nào để thay thế lực lượng kiểm lâm hiện nay. Bởi trong tổng 237 biên chế đang hoạt động của Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì có tới 25% biên chế đã trên 50 tuổi”, ông Hưng lo lắng.
Trước hàng loạt khó khăn của ngành Lâm nghiệp, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Trung ương sớm xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây nguyên theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng, trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng. Đồng thời, cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp để bố trí sản xuất cho người dân, góp phần bảo đảm đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài. Bên cạnh đó, sớm có cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút nhân lực cho ngành lâm nghiệp. Mặt khác, sửa đổi, bổ sung căn bản chính sách đối với các công ty lâm nghiệp, có lộ trình bổ sung vốn điều lệ cho các công ty nông, lâm nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ...
Còn nữa...
TRÍCH NGUỒN: TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ