Sáng ngày 30/8/2023, Chi cục Kiểm lâm tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng 7 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2023; Đánh giá giữa kỳ thực hiện NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Hội nghị do đồng chí Nguyễn Thiên Văn - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Đồng chí Nguyễn Thiên Văn - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị.
Công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng 7 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đóng góp vào sự thành công chung của tỉnh. Các chỉ tiêu về thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đạt kế hoạch là 4/9 chỉ tiêu gồm: (1) Diện tích trồng rừng tập trung (2) Cây trồng phân tán (3) Diện tích tích rừng tự nhiên được xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững, (4) Xây dựng mới tối thiểu 01 nhà máy và nâng cấp 01 nhà máy chế biến lâm sản tổng hợp khép kín công suất 50 ngàn-100 ngàn m3/năm/nhà máy.
Tại Hội nghị lãnh đạo UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương những cố gắng của các cấp, các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị chủ rừng thời gian qua có nhiều cố gắng, bước đầu đã hạn chế được tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; lực lượng Công an đã phối hợp ngành Nông nghiệp và PTNT, chính quyền địa phương kiểm tra, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các đối tượng hủy hoại rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý bảo vệ và phát triển rừng…
Đồng chí Đỗ Xuân Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông qua Báo cáo tổng kết đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng 7 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2023; báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch. Nguyên nhân của việc chưa hoàn thành các chỉ tiêu nêu trên phần lớn là do các cơ chế, chính sách chưa có tính đột phá; việc bố trí kinh phí còn hạn chế, chưa đủ nguồn lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cụ thể: việc tham mưu, ban hành và triển khai thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ nguồn nhân lực lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk còn chậm; Đề án ứng dụng công nghệ cao trong công tác quản lý, bảo vệ, giám sát tài nguyên rừng tỉnh Đắk Lắk đã được phê duyệt tuy nhiên đến nay vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện; việc bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, việc thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, nhất là diện tích rừng do UBND cấp xã đang quản lý, nhằm bảo đảm toàn bộ diện tích rừng có chủ mặc dù đã được quan tâm tuy nhiên vẫn còn rất chậm, hầu hết chỉ giao được các diện tích rừng, đất rừng cho các tổ chức kinh tế (do tổ chức tự bỏ vốn), các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư không mặn mà với việc nhận đất, nhận rừng mức hỗ trợ cũng như các chính sách hưởng lợi từ rừng thấp, trong khi đó trách nhiệm khi rừng bị xâm hại là rất lớn; Chưa hoàn thiện phương án bố trí đất ở, đất sản xuất cho dân di cư tự do ngoài kế hoạch sống gần rừng, trong rừng dẫn đến áp lực phá rừng làm nương rẫy…
Quang cảnh Hội nghị.
Đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận, đánh giá những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai nhiệm vụ Quản lý bảo vệ rừng và Phát triển rừng, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác Quản lý bảo vệ rừng và Phát triển rừng trong thời gian tới.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiên Văn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan và các đơn vị chủ rừng tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm:
Các ngành, các cấp của tỉnh theo chức năng nhiệm vụ, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng"; Kết luận số 520-KL/TU ngày 26/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Báo cáo số 231-BC/TU ngày 24/6/2022 tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 17/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường công tác trồng rừng, trồng cây xanh và quản lý bảo vệ rừng....
UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường bảo vệ rừng, khôi phục rừng tự nhiên đã bị suy giảm trong những năm qua trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 5767/UBND-NNMT ngày 07/7/2023; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh giao tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục kiện toàn, củng cố nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; siết chặt kỷ cương, pháp luật trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chuyên ngành, các đơn vị có chức năng phối hợp trong việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai, thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chịu trách nhiệm trước cấp trên khi để xảy ra tình hình xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn quản lý.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, bảo vệ, giám sát tài nguyên rừng, nhằm theo dõi chặt chẽ diễn biến tài nguyên rừng. Triển khai Đề án phát triển rừng nguyên liệu gắn với phát triển công nghiệp chế biến lâm sản tỉnh Đắk Lắk; nâng cao giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp, có chính sách khuyến khích các chủ rừng xây dựng, phát triển rừng theo mô hình quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng (FSC); chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Cụ thể hóa chính sách về lâm nghiệp của địa phương theo hướng tạo cơ chế thông thoáng, thu hút đầu tư vào phát triển lâm nghiệp, chế biến lâm sản, đảm bảo lợi ích của những người làm nghề rừng, người trực tiếp tham gia bảo vệ rừng; chú trọng điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng ở vùng sâu, vùng xa.
Thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác trồng rừng, trồng cây xanh và quản lý bảo vệ rừng; tạo đột phá trong trồng và chế biến sản phẩm từ rừng trồng, nâng cao giá trị thông qua việc chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn, “tự nhiên hóa” rừng trồng hiện có; kết hợp phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng, ưu tiên phát triển nông - lâm kết hợp; triển khai các dự án thực hiện chương trình giảm phát thải khí nhà kính, kinh doanh tín chỉ Cacbon rừng…
Tiếp tục chỉ đạo xử lý tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại các ban quản lý, công ty lâm nghiệp, dự án nông lâm nghiệp; lập phương án tổng thể đối với diện tích đất bàn giao về địa phương quản lý giải quyết cho các hộ gia đình không có đất, thiếu đất sản xuất, dân di cư tự do ngoài kế hoạch, xây dựng công trình công cộng; triển khai thực hiện công tác đo đạc lập bản đồ địa chính để cấp đất cho người dân ổn định đời sống.
Trên cơ sở các nhiệm vụ chính như trên, đồng chí Nguyễn Thiên Văn cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan và các đơn vị chủ rừng để triển khai có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.
Vũ Thị Chi- Phòng Tổ chức xây dựng lực lượng và tuyên truyền.