Theo đại diện Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đắk Lắk, hiện nay Việt Nam chưa có thị trường bắt buộc với tín chỉ carbon. Vì thế việc chuyển giao kết quả giảm phát thải thường được thực hiện giữa các bên liên quan theo thị trường tự nguyện thông qua những thỏa thuận đàm phán song phương.
Tính đến hết năm 2023, tỉnh Đắk Lắk có hơn 497.235 ha đất có rừng. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm gần 411.931 ha và rừng trồng có hơn 85.304 ha). Ngoài ra, về phần diện tích đất chưa có rừng là gần 240.048 ha, đạt tỷ lệ che phủ 38,04%. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Đắk Lắk hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu và điều kiện để bán tín chỉ carbon rừng.
Ông An Ngọc Tân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả (huyện Ea H’leo) cho biết đơn vị đang quản lý vùng lâm phần có tổng diện tích hơn 14.422 ha. Trong đó, có gần 2.352 ha rừng và đất rừng phòng hộ, hơn 12.070 ha rừng và đất rừng sản xuất.
“Trong thời gian qua, công ty luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác quản lý - bảo vệ rừng (QLBVR) và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Chúng tôi mong rằng Nhà nước sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách về mua bán tín chỉ carbon rừng để các vấn đề như thu nhập, chế độ đãi ngộ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được bảo đảm và anh em cũng sẽ có động lực, yên tâm hơn trong công tác”, ông Tân chia sẻ.
Tham gia thị trường mua bán tín chỉ carbon rừng giúp các địa phương có thêm nguồn tài chính cho công tác QL-BVR.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác QLBVR và PCCCR năm 2023, 4 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ - giải pháp trong thời gian tới, ông Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng thị trường tín chỉ carbon rừng là lĩnh vực khá mới mẻ nhưng nhiều tiềm năng. “Bán tín chỉ carbon rừng sẽ đảm bảo lợi ích bền vững, góp phần nâng cao năng lực bảo vệ rừng, phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo tồn đa dạng sinh học".
Cũng tại Hội nghị này, ông Trần Lưu Quang cũng cho biết sẽ đánh giá quá trình triển khai thí điểm ở các địa phương. Chính phủ và các cơ quan chức năng khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách này trên tinh thần bảo đảm pháp luật và giá bán tín chỉ carbon rừng hợp lý. “Vấn đề còn lại là Chính phủ cũng như các bộ, ngành Trung ương là có chính sách cụ thể, rõ ràng và hướng dẫn chi tiết. Nó sẽ giúp các cơ quan chức năng của tỉnh có cơ sở thực hiện và tạo thêm nguồn lực cho những người làm công tác giữ rừng”.
Nhân viên Hạt Kiểm lâm huyện Cư M'gar và người dân kiểm tra rừng Cư Hlăm.
Đầu tháng 4/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo đến ngành nông nghiệp và các cơ quan có liên quan về việc xây dựng kế hoạch thực hiện điều tra rừng. Trong đó, Bộ nhấn mạnh tập trung vào điều tra, xác định diện tích, trữ lượng rừng và đặc biệt là trữ lượng carbon rừng…
Theo Thông tư số 23/2023/TT-BNNPTNT (ban hành ngày 15/12/2023 và có hiệu lực từ ngày 1/2/2024) quy định: Sở NN-PTNT ở các tỉnh chịu trách nhiệm về việc cung cấp số liệu: trạng thái rừng, sản lượng khai thác gỗ củi, các số liệu về diện tích rừng chuyển đổi, rừng bị thiệt hại... trên địa bàn quản lý. Đó là cơ sở để thực hiện việc đo đạc kết quả giảm nhẹ phát thải và kiểm kê khí nhà kính.
Khu vực từng tự nhiên thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lắk (tỉnh Đắk Lắk)
Bên cạnh đó, Cục Lâm nghiệp cũng đang tham mưu Bộ NN-PTNT về việc đề nghị Chính phủ sửa đổi và bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP. Theo đó, dự kiến bổ sung quy định về Dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO₂, làm cơ sở để thống nhất và áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang cho phép chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon (CO₂) thí điểm tại 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế (theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP). Các địa phương này sẽ chuyển nhượng cho đối tác 10,3 triệu tấn CO₂ với giá chuyển nhượng khoảng 5 USD/tấn trong giai đoạn 2018 - 2024. Dự kiến số tiền thu về khoảng 51,5 triệu USD./.
Nguồn: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn