Mô hình Chứng chỉ rừng bền vững, liên kết chuỗi giá trị sản xuất lâm sản tại Đắk Lắk
Với lợi thế về tiềm năng đất đai, tài nguyên rừng, nguồn nhân lực dồi dào, trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu trong lĩnh vực lâm nghiệp gắn với phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong những năm qua tỉnh Đắk Lắk đã triển khai Mô hình Chứng chỉ rừng bền vững, liên kết chuỗi giá trị sản xuất lâm sản tại địa bàn hành chính các xã Ea Trang, Ea M’Doal, Cư Króa, Ea Lai huyện M’Drắk. Mặc dù thành quả ban đầu triển khai mô hình liên kết chuỗi nêu trên còn khiêm tốn về khối lượng, đối tượng tham gia (nhóm hộ, hộ gia đình) và loại rừng thực hiện,… nhưng đây là nền tảng thiết thực gắn kết giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến gỗ; thiết lập chuỗi giá trị lâm sản trên cơ sở gắn kết hữu cơ giữa phát triển rừng – chế biến thương mại lâm sản; khắc phục hạn chế về chất lượng gỗ nguyên liệu rừng trồng chưa đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp trong thời gian qua.
Rừng trồng Keo lại tại xã Ea Trang
Đến nay, mô hình liên kết chuỗi giữa đại diện cho các chủ rừng trồng nhóm hộ gia đình 7 xã thuộc huyện M'Đrắk với 02 doanh nghiệp chế biến gỗ (Công ty TNHH AYO BIOMASS và Công ty TNHH Hoàng Đại Vương) được các tổ chức chứng nhận GFA, BV cấp chứng chỉ rừng trồng với diện tích 9.581,13 ha. Công ty TNHH AYO BIOMASS đại diện cho các chủ rừng trồng là nhóm hộ gia đình xã Cư M'Ta, Ea Trang, Cư San, Krông Á huyện M'Đrắk: 6.319,45ha, Công ty Hoàng Đại Vương liên kết với Hợp tác xã phát triển rừng bền vững Miền Trung và Tây Nguyên, đại diện các chủ rừng trồng là nhóm hộ gia đình tại các xã Cư M'Ta, Ea Riêng, Ea M’lay, Cư Króa thuộc huyện M'Đrắk: 3.261,68ha.
Điều tra hiện trạng tài nguyên rừng
Trên cơ sở kết quả ban đầu tại M'Đrắk, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tiếp tục cho phép mở rộng thực hiện mô hình liên kết chuỗi tại địa bàn hành chính các huyện Ea H’leo, Krông Bông, Lắk, Krông Năng. Trong thời gian tới, để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục khuyến khích phát triển lâm nghiệp theo chuỗi giá trị ở mức độ, yêu cầu cao hơn nữa, tạo các điều kiện thuận lợi nhất đưa người nông dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ có chứng chỉ FSC (Forest Stewardship Council) – Chứng nhận tiêu chuẩn rừng quốc tế, tuân thủ các quy định về môi trường, xã hội do Hội đồng quản lý rừng Thế giới cấp và được các nước trên thế giới chấp nhận. Đắk Lắk đã, đang từng bước hướng tới một ngành lâm nghiệp phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh, chính trị tại các địa bàn nông thôn trong tỉnh.
Thủy Tiên - Phòng Hành chính,tổng hợp